Điểm danh các loại “Bánh” ở Xứ Nẫu

1. Bánh ít lá gai, đặc sản Bình Định

Muốn ăn bánh ít lá gai thì bạn phải tìm về với xứ Tuy Phước- Bình Định. Nơi đây nổi tiếng trứ danh với món bánh nghe cái tên lạ lạ “ Bánh ít lá gai” và hương vị làm say lòng người với bánh ít lá gai thật dẻo nhưng không dính răng, Ngoạm 1 một miếng, vị ngọt của đường, vì thơm của nếp, béo của dầu, vị bùi của đậu và đâu đó hương cây nồng của gừng trên đầu lưởi tạo một cảm giác khoái khẩu rất riêng.

Để làm ra được những chiếc bánh đúng chất Tuy Phước – Bình Định đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ từng công đoạn, phải có kinh nghiêm và lòng yêu nghề. Làm bánh có ba công đoạn chính là làm vỏ bánh, nhận bánh, và gói bánh.

2. Bánh hồng Bình Định

Nếu bạn chưa biết thì, bánh hồng cũng là một món đặc sản lâu đời của miền đất võ Bình Định bên cạnh bánh ít lá gai, bánh tráng nước dừa… Món bánh này vốn được coi là biểu trưng cho tin vui, thường xuất hiện vào dịp đặc biệt như đám cưới hỏi của người dân địa phương. 

Tương tự như nhiều loại bánh truyền thống khác, nguyên liệu làm ra bánh hồng đều rất dân dã bao gồm gạo nếp, đường kính và dừa. Tại Bình Định có rất nhiều vùng làm bánh hồng. Nhưng chỉ riêng bánh hồng của thị trấn Tam Quan mới được đánh giá là đặc sắc hơn cả vì làm từ gạo nếp Ngự có tiếng thơm và dẻo.

3. Bánh tráng nước dừa

Đây là một loại bánh được làm từ bột gạo xay, có vị béo đặc trưng của dừa. Trong chiếc bánh ấy, người làm ra nó còn tâm huyết cho vào đấy những gia vị khác. Như: tiêu đập dập, hành củ giã nhỏ, chút nước cốt dừa, cơm dừa xay nhỏ, mè, chút muối… Để tổng hòa các gia vị này làm nên hương vị đặc trưng. Khi nướng cần có lửa thật hồng, than đủ độ nóng thì bánh mới chín, giòn tan. Còn không sẽ bị chai ăn không ngon và không thể cảm nhận được tất cả các hương vị có trong chiếc bánh.
Người thợ làm bánh phải là người có kinh nghiệm trong việc xay, lắng bột, nêm nếm gia vị. Và tráng bánh cũng phải khéo sao cho bánh có độ dày đồng đều. Lửa phải thật đượm và người thợ đó phải rất vất vả bởi suốt ngày ngồi cạnh bếp lửa nóng. Mùa đông còn đỡ chứ mùa hè thì vô cùng khó khăn. Có được chiếc bánh ngon đến tay người thưởng thức là cả một quy trình mà người thợ phải nhọc nhằn, miệt mài lao động.

4. Bánh cốm nếp dẻo

Một đặc sản Bình Định tại huyện An Nhơn. Bánh này có tên giống với loại bánh mình cực thích ở Hà Nội, tuy nhiên về hương vị và hình thức hoàn toàn khác nha, bánh có vị gừng loại ít nếp sẽ xốp còn nhiều nếp sẽ dẻo hơn, người lớn tuổi dùng với trà rất thích. Bảo quản được khá lâu (các bạn tham khảo thêm người bán nhé).

5. Bánh ít mặn ( bánh ít trần) nhân tôm thịt

Bánh ít trần là đặc sản Bình Định giản dị và ngon miệng. Nhân đậu xanh kết hợp với tôm đất, mộc nhĩ và hạt tiêu được bao bọc bởi một lớp vỏ bánh làm từ bột nếp dẻo dai. Khi ăn bánh ít trần bạn hãy nhớ dùng kèm với một bát nước mắm chấm thật cay vị ớt để cảm nhận rõ nét vị ngon độc đáo của món bánh từ miền Trung này nhé!

Đặc sản Bình Định với món bánh ít trần vô cùng khác biệt:
– Bánh chín đều, bột dai ngon, không bị bể bánh
– Nhân thơm và giữ được chất ngọt của tôm thịt
– Bánh được cho vào nước đá sau khi luộc là làm cho bánh trong hơn và dai hơn.
Bánh ít trần được chế biến trải qua rất nhiều công đoạn. Gạo nếp ngâm mềm sau đó mang đi xay, ép khô rồi mới nhào nặng bột dẻo. Công đoạn nhào bột rất tốn công, cho nước ít thì bột khô, cho nhiều nước thì bột nhão vì thế người làm bánh đòi hỏi phải rất tinh ý.

6. Bánh Phu Thê hay còn gọi là bánh Xu Xê

Bánh xu xê là một loại bánh ngọt cổ truyền của Việt Nam. Ở nhiều nơi tại Việt Nam, loại bánh này được sử dụng như một lễ vật đựng trong các tráp ăn hỏi. Trong đám cưới người ta cũng dùng bánh này làm món tráng miệng.

Bánh xu xê ở Bình Định được gói theo cách truyền thống. Bên trong là lớp lá chuối chống dính, ngoài cùng là lớp lá dứa tươi xanh, bắt mắt. Nếm thử bánh vị dai, xựt xựt của tấm bánh lẫn vị mềm thơm của đậu xanh và vị dừa ngọt thanh tạo nên hương vị đặc trưng của món bánh này ăn một lần là thích.

7. Bánh tráng khoai lang nướng, bánh đậu xanh đậu đen nhân dừa

Các loại bánh đặc sản Quy Nhơn này mình gom chung vì ở nhiều nơi cũng có. Nhưng mỗi vùng miền hương vị lại khác nhau. Với bánh nướng khoai lang thì ở Quy Nhơn người ta nướng vừa lại rất thơm gừng. Bánh đậu xanh đậu đen nhân dừa thì có hình thức đặc trưng, bánh rất bùi thơm ngon mà bên trong là nhân dừa và mè rất ngon ạ.

 

8. Bánh xèo tôm nhảy Bình Định.

Cái tên nghe rất vui tai này thực ra để nhấn mạnh sự tươi ngon và cũng là bi quyết hàng đầu để tạo nên món bánh xèo tôm nhảy Bình Định trứ danh. Con tôm ngon nhất phải là tôm sông, tôm đầm, những con tôm đất nhỏ bằng ngón tay sau khi rửa sạch chỉ cắt râu và đuôi là có thể chế biến được. Con tôm tươi roi rói, nhảy lách tách trong chảo nóng, cái tên “tôm nhảy” ra đời cũng là vì thế.

 

9. Bánh bèo

Ngày nay, đi đến đâu, du khách cũng được thưởng thức món bánh bèo và tất nhiên, mỗi nơi, mỗi vùng miền sẽ có cách chế biến khác nhau. Đến Bình Định, đến xứ Nẫu, du khách sẽ được ăn bánh bèo chén thơm ngon hấp dẫn. Và điều kỳ lạ hơn là không chỉ có bánh bèo chén mà du khách còn vô cùng ngạc nhiên khi được thưởng thức món bánh bèo ly (hay còn gọi là bánh bèo nhỏ).

 

Các loại bánh trên đã thu hút bạn đến với thành phố biển Quy Nhơn này chưa. Cùng Măng Travel thưởng thức tất cả các loại bánh trứ danh của Xứ Nẫu này nhé!

Nguồn Tổng Hợp