Độc đáo Làng nón ngựa Phú Gia đất võ Bình Định

Nếu Hà Nội có nón quai thao, xứ Huế mộng mơ có nón bài thơ thì đất võ Bình Định có nón ngựa Phú Gia với biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm, gắn với những đội quân Tây Sơn thần tốc.

1. Vị trí

Cách TP Quy Nhơn khoảng 35 km về hướng Bắc, làng nón ngựa Phú Gia thuộc thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định có tuổi đời gần 400 năm. Nhắc đến làng nón ngựa Phú Gia thì không thể không nói đến ông Đỗ Văn Lan, bởi ông là nghệ nhân có tuổi đời làm nón cao nhất làng với hơn 55 năm kinh nghiệm.

2. Lịch Sử

Theo cụ Lan, gia đình cụ đã trải qua 5 đời làm nghề nón ngựa, từ thời ông cố cụ đến ông nội cụ, cha cụ, cụ và con cụ. Sở dĩ gọi tên nón ngựa là vì chiếc nón có được sự dẻo dai, bền bỉ, thích hợp cho người đội khi cưỡi ngựa. Ngày xưa, những nghệ nhân ở đây làm ra chiếc nón này chủ yếu để phục vụ cho vua, quan đội khi ngồi trên lưng ngựa. Đặc biệt vào thời vua Quang Trung, nón ngựa Phú Gia đã gắn liền với đội quân thần tốc Tây Sơn.

Chiếc nón hơn 100 năm tuổi

3. Sản phẩm nón lá của làng nghề nón ngựa Phú Gia

Theo các nghệ nhân ở làng nghề, thời xưa, nón ngựa được sản xuất chỉ dành riêng cho giới phong lưu, quyền quý với những mẫu hoa văn tinh xảo như long, lân, quy, phụng thì thể hiện quyền uy trong thời đại phong kiến.

Những người có chức sắc khác nhau, các mẫu họa tiết sẽ được thêu khác nhau, trông vào đó mà ta có thể biết được phẩm hàm của từng chức quan lại.

Nón lá của làng nghề nón ngựa Phú Gia thực sự là “kiệt tác”, chúng không chỉ giữ được vẻ đẹp truyền thống của chiếc nón lá Việt mà còn gửi gắm vào đó những hình ảnh lộng lẫy, những câu chuyện lịch sử oai hùng của Tổ Quốc.

Chiếc nón còn có hẳn một nhà trưng bày sản phẩm do UBND tỉnh Bình Định và huyện xây dựng. Làng Phú Gia trở thành một điểm nhấn du dịch ở các tour về Bình Định.

4. Nguyên liệu làm nón

Khác với tưởng tượng của nhiều người khi nghĩ đến các nguyên liệu đơn giản khi làm nón lá, nón ngựa Phú Gia cũng làm từ tre, lá,…nhưng được chọn lựa một cách khắt khe và tỉ mỉ vô cùng.

Người làng nghề nón ngựa Phú Gia phải lên thượng nguồn các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh giáp với Tây Nguyên để chặt cây giang đem về chẻ ra từng miếng, rồi phơi khô và tước ra thành cây tăm thật nhỏ, đều.

Lá kè (lá cọ) làm nón không được quá già hoặc quá non, đem phơi nắng, phơi sương để lá vừa khô vừa có được độ mềm dẻo cần thiết. Các nguyên liệu khác như rễ dứa rừng, cước, chỉ màu, vải the… cũng đều được tuyển chọn kỹ lưỡng.

5. Công đoạn làm nón ngựa

Để hoàn thành một chiếc nón của làng nghề nón ngựa Phú Gia, các nghệ nhân phải bắt tay thực hiện 20 công đoạn làm nón ngựa. Trong đó, 4 công đoạn quan trọng nhất là tạo sườn mê, thắt nan sườn, thêu hoa văn trên sườn và lợp lá cho nón.

Lá nón sau khi mua về được các thành viên dẽ cho thẳng ra, sau đó thì người thợ sẽ đưa lá qua lưỡi cày được làm nóng, kéo nhanh tay để đảm bảo lá phẳng và không bị hỏng lá.

Bước cuối cùng là bước quyết định tính thẩm mỹ của chiếc nón. Các nghệ nhân thực hiện thêu họa tiết, lúc này bề mặt chiếc nón như một khung tranh nghệ thuật.

Từng nét vẽ như chứa đựng cả tấm lòng, niềm tự hào của họ, thể hiện qua sự tỉ mỉ và tinh tế. Đây cũng chính là điểm đặc biệt của chiếc nón làng nghề nón ngựa Phú Gia mà không nơi nào có được.

Có thể thấy, làng nghề nón ngựa Phú Gia là một trong số ít làng nghề truyền thống có lịch sử lâu đời mà vẫn phát triển nhộn nhịp cho tới ngày nay.

Làng nghề hiện đang ngày càng phát triển và được quảng bá sản phẩm rộng rãi trên thế giới, trở thành một điểm du lịch thú vị mà nhiều du khách yêu thích khám phá.

Làng nghề nón ngựa Phú Gia là niềm tự hào của người dân đất võ Bình Định cũng như dân tộc Việt Nam, hình ảnh chiếc nón mang bao ý nghĩa về một thời đại lịch sử hào hùng và thăng trầm phát triển văn hóa mỹ nghệ của dân tộc.

Hãy liên hệ ngay đến Măng Travel để khám phá thêm nhiều điều mà bạn chưa từng biết đến nhé.